Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Bị bắt nạt và bạo hành, trẻ già trước tuổi




Bị bắt nạt và bạo hành, trẻ già trước tuổi


Đây là kết luận của một nhóm nghiên cứu quốc tế phân tích các dữ liệu từ Nghiên cứu Rủi ro Môi trường (Environmental Risk Study, hay E-Risk), kiểm tra trên 2.232 trẻ sinh ra trong thời gian 1994-1995 ở Anh và xứ Wales.



Các nhà nghiên cứu tập trung vào 236 trẻ mà họ theo dõi trong các năm từ độ tuổi 5 tới 10. Gần một nửa số trẻ này từng chịu bạo hành ở một mức độ nhất định, dưới dạng gián tiếp như khi người mẹ chịu những hành vi bạo lực, hoặc khi trẻ bị bắt nạt, hoặc là nạn nhân trực tiếp dưới tay một người lớn.

Tác giả chính của nghiên cứu, Idan Shalev, từ khoa tâm lý và thần kinh học của trường Duke University, cho biết rằng ông và các cộng sự của mình quan tâm tới việc tìm hiểu liệu những tác động tiêu cực dài hạn của bạo lực với trẻ em, về mặt sức khỏe và hành vi sau này, có liên quan tới sự lão hóa sớm trước tuổi ở các tế bào. Vì vậy, họ đã thu thập các mẫu DNA của từng đứa trẻ ở độ tuổi 5 và sau này ở độ tuổi 10, và nghiên cứu các telomere, những chuỗi DNA lặp đi lặp lại có mỗi đầu là nhiễm sắc thể. Qua thời gian, người ta thấy rằng các telomere trở nên ngắn hơn, do mỗi lần tế bào phân chia thì một phần telomere bị mất đi. Sau khi telomere bị rút ngắn tới một độ dài nhất định, tế bào sẽ chết. Đây là lý do khiến một số chuyên gia cho rằng telomere có thể coi là một đồng hồ phản ánh sự lão hóa của tế bào.

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể làm telomere bị ngắn đi, làm già tế bào trước tuổi. Nghiên cứu mới nhất lần này cũng cho thấy rằng những trẻ em chịu từ hai tới ba dạng bạo hành từ độ tuổi từ 5 đến 10 sẽ có telomere ngắn hơn so với những trẻ có đời sống ít căng thẳng hơn. Mỗi dạng bạo hành mà Shalev và nhóm của ông nghiên cứu đều cho thấy có ảnh hưởng làm ngắn đi các telomere, nhưng điều đáng quan tâm hơn nữa ở đây là việc chịu đựng nhiều dạng bạo hành sẽ gây ảnh hưởng cộng dồn.

"Trẻ em bị bạo hành sẽ già đi nhanh hơn", Shalev khẳng định trong một thông cáo cho nghiên cứu, được ông bố trên tạp chí Molecular Psychiatry. "Kết quả nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các telomere làm căn cứ đánh giá mức độ căng thẳng trong các nghiên cứu đánh giá tác động của căng thẳng".

Nghiên cứu lần này là nghiên cứu đầu tiên theo dõi những thay đổi ở DNA có thể liên quan tới việc chịu đựng bạo hành. Kể cả sau đã điều chỉnh phân tích để loại bỏ tác động của những yếu tố kinh tế xã hội và thể chất có thể ảnh hưởng tới sự lão hóa trước tuổi của tế bào, như nghèo đói và béo phì, thì mối quan hệ giữa sự thay đổi ở DNA và việc chịu đựng bạo hành vẫn tồn tại.

Theo Shalev, việc chịu đựng bạo hành có thể tạo ra một dạng căng thẳng làm gia tăng quá trình oxy hóa và viêm nhiễm trong cơ thể, khiến các tế bào già đi và phân chia nhanh hơn, và hậu quả là con người già trước tuổi. Ông cũng cho rằng những hậu quả được thấy rõ ràng này càng cho thấy "sự cần thiết ngăn chặn những tổn hại gây ra với trẻ em".

Theo Báo Tia sáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét